Công Ty TNHH ARIS xin trân trọng gửi tới Quý Khách hàng Bản tin Bảo hiểm Xã hội Điện tử tháng 04/2021
I. Thẻ BHYT mới: Thuận tiện trong sử dụng và quản lý
II. Đề xuất tăng mức hỗ trợ học nghề cho lao động thất nghiệp
III. Đề xuất điều chỉnh tăng lương hưu đối với người hưởng lương trước năm 1995
IV. BHXH Việt Nam: Triển khai đăng ký giao dịch điện tử cho cá nhân dưới 18 tuổi chưa có CMND, CCCD
V. Cảnh báo các trường hợp đi khám chữa bệnh nhiều lần có dấu hiệu trục lợi Quỹ Bảo hiểm y tế
VI. Đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định về bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc
VII. Năm 2021, hoàn thành cung cấp qua mạng nhiều dịch vụ công hữu ích với người dân
Sáng 24/3, dưới sự chủ trì của Phó Tổng Giám đốc Trần Đình Liệu, BHXH Việt Nam tổ chức Hội nghị cung cấp thông tin chuyên đề mẫu thẻ BHYT mới. Cùng dự có đại diện Lãnh đạo các đơn vị trực thuộc BHXH Việt Nam và một số nhà báo, phóng viên, biên tập viên chuyên trách BHXH, BHYT của các cơ quan thông tấn báo chí Trung ương, Hà Nội và TP.HCM.
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Tổng Giám đốc Trần Đình Liệu cho biết, trong những năm qua, cải cách hành chính, ứng dụng CNTT luôn được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Ngành BHXH, do đó BHXH Việt Nam luôn nghiên cứu đổi mới, cải tiến các lĩnh vực theo hướng tinh gọn, tạo thuận lợi tối đa cho người tham gia, giúp tiết kiệm thời gian, chi phí.
Theo Phó Tổng Giám đốc Trần Đình Liệu, thẻ BHYT đang sử dụng hiện nay làm trên chất liệu giấy, dễ bị hư hỏng, nhàu nát, khó bảo quản để sử dụng lâu dài. Nội dung in trên thẻ BHYT bao gồm cả thông tin thay đổi thường xuyên và thông tin cố định, mỗi khi thay đổi thông tin về người tham gia như địa chỉ, nơi đăng ký KCB ban đầu thì cơ quan BHXH phải in và cấp lại thẻ BHYT mới.
Bên cạnh đó, phôi thẻ BHYT hiện nay đang in sẵn phiên hiệu của BHXH các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cũng gây khó khăn cho việc điều chuyển phôi thẻ BHYT giữa các tỉnh. Khi thẻ BHYT bị mất, hỏng, người tham gia cũng buộc phải đề nghị cấp lại tại cơ quan BHXH nơi trực tiếp thu, cấp thẻ BHYT.
Đặc biệt, hiện nay toàn bộ dữ liệu in, cấp thẻ BHYT cho người tham gia đã được cập nhật đầy đủ trên Cổng Thông tin giám định BHYT, đảm bảo quản lý thẻ BHYT trên dữ liệu điện tử và tinh giản một số tiêu chí trên thẻ BHYT giấy. Những tiêu chí này hoàn toàn có thể tra cứu được trên Cổng Thông tin giám định BHYT.
“Để khắc phục những tồn tại hạn chế của mẫu thẻ BHYT đang sử dụng, tạo thuận lợi cho người tham gia BHYT, BHXH Việt Nam nghiên cứu, ban hành văn bản quy định mẫu thẻ BHYT mới là cần thiết. Việc cấp thẻ mới sẽ được gắn với các tiêu chí như: thuận tiện, đầy đủ quyền lợi và tránh lãng phí”- Phó Tổng Giám đốc Trần Đình Liệu nhấn mạnh.
Cả nước hiện có gần 87 triệu chủ thẻ BHYT. Tuy nhiên không phải trường hợp nào cũng cần phải đổi mẫu thẻ BHYT từ ngày 1/4/2021. Những thẻ BHYT mẫu cũ có hiệu lực vẫn được sử dụng. Số lượng phôi thẻ mới được áp dụng trong năm nay khoảng 10 triệu phôi…
"Hiện nay, BHXH Việt Nam đã có ứng dụng VssID có thể tích hợp BHYT. Trong năm 2021, BHXH Việt Nam sẽ cố gắng phấn đấu cài đặt cho 30 triệu người sử dụng ứng dụng VssID với điều kiện người dân có Smartphone”- Phó Tổng Giám đốc Trần Đình Liệu cho biết thêm.
7 điểm mới của thẻ BHYT
Cũng tại Hội nghị, ông Trần Quốc Túy, Phó trưởng Ban Thu- Sổ thẻ (BHXH Việt Nam), đã cung cấp một số thông tin thay đổi của thẻ BHYT mới. Theo đó, mẫu thẻ BHYT sẽ có 7 điểm mới. Theo đó, về kích thước thẻ BHYT. Thẻ BHYT mẫu mới có kích thước nhỏ gọn hơn, hình thức đẹp hơn (bằng với kích thước thẻ căn cước công dân và một số loại thẻ ATM) đảm bảo thuận tiện khi cất giữ, bảo quản trong ví, hạn chế các trường hợp bị mất, hỏng thẻ BHYT.
Về chất liệu thẻ BHYT, giấy của thẻ BHYT cũng dày hơn và được ép plastic để tăng độ bền, độ cứng, đáp ứng được yêu cầu sử dụng lâu dài, tránh thấm nước, ẩm mốc, nhàu nát, rách hỏng, bay mờ mực in trong quá trình sử dụng qua đó giảm được thời gian, chi phí cấp lại thẻ BHYT của cả đối tượng tham gia và cơ quan BHXH.
Về con dấu, trước đây sử dụng con dấu của BHXH các tỉnh, thành phố nay thay bằng con dấu của BHXH Việt Nam, in chức danh, chữ ký, họ tên của Trưởng Ban Quản lý Thu- Sổ, thẻ (hoặc người được Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam giao ký thừa lệnh), để giúp cho việc cấp lại, đổi thẻ nhanh chóng, thuận tiện hơn ở bất cứ cơ quan BHXH nào gần nhất trên phạm vi toàn quốc đối với trường hợp không may bị mất, hỏng thẻ khi đi KCB ngoại tỉnh hoặc đi du lịch, công tác, học tập ở tỉnh khác.
Về Mã số in trên thẻ BHYT: Chỉ in 10 ký tự chính là mã số BHXH của người tham gia (thay thế 15 ký tự như trước đây). Giúp người tham gia dễ dàng nhận biết và hoàn toàn đủ cơ sở để người tham gia có thể tra cứu và kiểm tra đầy đủ thông tin quy định về thẻ BHYT trên Cổng thông tin của BHXH Việt Nam.
Về mã mức hưởng BHYT: Mã mức hưởng BHYT được chuyển xuống cùng dòng in ngày tháng năm sinh, giới tính, mã nơi đối tượng sinh sống, giúp người cao tuổi, người chưa có điều kiện sử dụng internet biết thông tin quyền lợi hưởng BHYT
Về thông tin địa chỉ của người tham gia và mã cơ sở KCB ban đầu: Không in trên thẻ BHYT nữa vì những thông tin này có thể tra cứu trên Cổng thông tin giám định BHYT.
Mặt sau của thẻ BHYT “Những điều cần chú ý”: Được bổ sung chỉ dẫn cụ thể hơn về cách sử dụng thẻ BHYT giúp người tham gia tra cứu thông tin về thẻ BHYT và quyền lợi được hưởng; nắm được cách liên hệ với cơ quan BHXH để được hướng dẫn và giải đáp mọi vướng mắc.
Theo quy định, những người đang sử dụng thẻ BHYT mẫu cũ còn thời hạn sử dụng thì tiếp tục được dùng thẻ BHYT cũ để đi khám chữa bệnh BHYT. Đồng thời, khi BHXH các tỉnh, thành phố sử dụng hết phôi thẻ BHYT mẫu cũ, thẻ BHYT mẫu mới sẽ được cấp cho các trường hợp sau: Cấp mới thẻ BHYT cho người tham gia; cấp lại thẻ BHYT cho người bị mất thẻ BHYT; cấp lại thẻ BHYT do bị rách, hỏng, thay đổi thông tin trên thẻ.
Nơi nộp và nhận hồ sơ
Quy trình cấp thẻ BHYT mẫu mới vẫn tiếp tục được thực thực hiện theo các quy định và văn bản hướng dẫn về thẻ BHYT hiện hành của BHXH Việt Nam. Về nơi nộp và nhận hồ sơ: Người được tổ chức BHXH đóng BHYT đến UBND cấp xã hoặc cơ quan BHXH để nộp hồ sơ. Riêng trường hợp người đang hưởng trợ cấp thất nghiệp đổi thẻ BHYT phải đến cơ quan BHXH. Người được ngân sách nhà nước đóng BHYT đến UBND xã.
Người đã hiến bộ phận cơ thể đến cơ quan BHXH. Người được ngân sách nhà nước hỗ trợ một phần mức đóng BHYT đến Đại lý thu hoặc cho cơ quan BHXH. Riêng học sinh, sinh viên đóng BHYT theo nhà trường, nộp hồ sơ cho nhà trường để được đổi thẻ. Người tham gia BHYT theo hộ gia đình đến Đại lý thu hoặc cho cơ quan BHXH. Người tham gia BHYT đóng tại DN thì nộp hồ sơ cho đơn vị SDLĐ để được đổi thẻ.
Về thủ tục hồ sơ: Người tham gia kê khai Tờ khai tham gia, điều chỉnh thông tin BHXH, BHYT (Mẫu TK1-TS); đối với người hiến bộ phận cơ thể: Có thêm Giấy ra viện ghi rõ “đã hiến bộ phận cơ thể”; trường hợp người tham gia được hưởng quyền lợi BHYT cao hơn thì bổ sung Giấy tờ chứng minh (nếu có).
Bộ LĐ-TB&XH vừa có Tờ trình Chính phủ Dự thảo Quyết định về việc Quy định mức hỗ trợ học nghề đối với NLĐ tham gia BH thất nghiệp.
Theo đó, đề xuất người tham gia BH thất nghiệp bị mất việc làm sẽ được hỗ trợ học nghề theo 2 gói. Gói thứ nhất dành cho người tham gia khóa đào tạo nghề đến 3 tháng, mức hỗ trợ tính theo mức thu học phí của cơ sở đào tạo nghề nghiệp và thời gian học nghề thực tế nhưng tối đa không quá 4,5 triệu đồng/người/khóa đào tạo.
Gói thứ 2 dành cho người tham gia khóa đào tạo nghề trên 3 tháng, mức hỗ trợ tính theo tháng, mức thu học phí và thời gian học nghề thực tế nhưng tối đa không quá 1,5 triệu đồng/người/tháng.
Trường hợp NLĐ tham gia khóa đào tạo nghề có những ngày lẻ không đủ tháng theo quy định của cơ sở đào tạo nghề nghiệp thì số ngày lẻ được tính theo nguyên tắc từ 14 ngày trở xuống tính là 1/2 tháng và từ 15 ngày trở lên được xác định là 1 tháng.
Bộ LĐ-TB&XH đánh giá, việc quy định mức hỗ trợ trên là mức trần, vì vậy việc hỗ trợ học nghề vẫn dựa trên thực tế, tùy theo từng ngành, nghề mà có mức hỗ trợ cụ thể. Đồng thời, quy định mức hỗ trợ học nghề theo 2 hình thức (theo gói và theo tháng) như trên sẽ đáp ứng được tất cả đối tượng người thất nghiệp có nhu cầu học nghề, bởi đa số người thất nghiệp là lao động phổ thông nên mong muốn học một nghề với thời gian ngắn (từ 3 tháng trở xuống) để nhanh chóng tìm việc làm ngay. Do đó, quy định này tạo điều kiện cho người thất nghiệp tham gia khóa học nghề ngắn hạn, kể cả đối với những ngành, nghề có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao.
Ngoài ra, việc quy định mức hỗ trợ học phí tối đa theo khóa học nghề sẽ giải quyết được vướng mắc, cùng một nghề nhưng tại các cơ sở đào tạo nghề nghiệp khác nhau lại có các mức học phí khác nhau, gây khó khăn cho NLĐ trong việc lựa chọn địa điểm để tham gia khóa đào tạo nghề. “Mặt khác, mức hỗ trợ học phí học nghề được quy định theo tháng sẽ đáp ứng nhu cầu của những người có nguyện vọng học nghề thời gian tương đối dài (trên 3 tháng) với mục đích nâng cao tay nghề chuyên sâu, hoặc chuyển đổi nghề nghiệp, trong điều kiện gia tăng học phí học nghề do sự thay đổi của giá cả tiêu dùng, lạm phát...”- Bộ LĐ-TB&XH lý giải.
Bên cạnh đó, mức hỗ trợ học nghề này là phù hợp với mức học phí học nghề thực tế tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, đối với một số nghề mà người thất nghiệp thường có nhu cầu học; tương đồng với các quy định về hỗ trợ học nghề hiện hành và đảm bảo thúc đẩy người thất nghiệp nhanh chóng tìm được việc làm mới. Các mức hỗ trợ nêu trên đều được đưa vào tính toán để đảm bảo độ an toàn của Quỹ BH thất nghiệp trong dài hạn. “Nếu thay đổi mức hỗ trợ học nghề từ 1 triệu đồng/người/tháng như hiện nay thành 1,5 triệu đồng/người/tháng với thời gian hỗ trợ học nghề là 6 tháng; 20% số người hưởng trợ cấp thất nghiệp được hỗ trợ học nghề, cùng với chi các chế độ khác và chi phí quản lý thì dự báo kết dư Quỹ BH thất nghiệp đến năm 2030 vẫn ở mức khoảng 2.296 tỷ đồng”- Bộ LĐ-TB&XH dự báo.
Cũng theo báo cáo của Bộ LĐ-TB&XH, những năm qua số người học nghề có xu hướng tăng nhanh, riêng năm 2020 có 26.507 người tham gia học nghề, giảm 36,7% so với năm 2019 do tình hình dịch bệnh Covid-19 kéo dài. Tuy nhiên, tỷ lệ số người được hỗ trợ học nghề so với số người nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp chưa cao (khoảng 5%) do nhiều nguyên nhân, trong đó chủ yếu là do mức hỗ trợ học nghề vẫn thấp hơn nhiều so với mức chi phí học một số nghề như: lái xe hạng B2, lái xe hạng C…
Bộ LĐ-TB&XH đang dự thảo Nghị định điều chỉnh lương hưu, trợ cấp BHXH và trợ cấp hằng tháng đối với 8 đối tượng hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH và trợ cấp hằng tháng trước ngày 1/1/2022.
Theo đó, 8 đối tượng được đề xuất điều chỉnh mức lương hưu, trợ cấp BHXH và trợ cấp hằng tháng gồm: Cán bộ, công chức, công nhân, viên chức và NLĐ (kể cả người có thời gian tham gia BHXH tự nguyện, người nghỉ hưu từ quỹ BHXH Nông dân Nghệ An chuyển sang); quân nhân, công an nhân dân và người làm công tác cơ yếu đang hưởng lương hưu hằng tháng. Cán bộ xã, phường, thị trấn quy định tại Nghị định số 92/2009/NĐ-CP, Nghị định số 34/2019/NĐ-CP, Nghị định số 121/2003/NĐ-CP và Nghị định số 09/1998/NĐ-CP. Người đang hưởng trợ cấp mất sức lao động hằng tháng theo quy định của pháp luật; người đang hưởng trợ cấp hằng tháng theo Quyết định số 91/2000/QĐ-TTg, Quyết định số 613/QĐ-TTg; công nhân cao su đang hưởng trợ cấp hằng tháng theo Quyết định số 206/CP. Cán bộ xã, phường, thị trấn đang hưởng trợ cấp hằng tháng theo Quyết định số 130/CP và Quyết định số 111-HĐBT. Quân nhân đang hưởng chế độ trợ cấp hằng tháng theo Quyết định số 142/2008/QĐ-TTg, Quyết định số 38/2010/QĐ-TTg. Công an nhân dân đang hưởng trợ cấp hằng tháng theo Quyết định số 53/2010/QĐ-TTg. Quân nhân, công an nhân dân, người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân, công an nhân dân đang hưởng trợ cấp hằng tháng theo Quyết định số 62/2011/QĐ-TTg. Người đang hưởng trợ cấp TNLĐ-BNN hằng tháng.
Theo Bộ LĐ-TB&XH, dự thảo Nghị định nhằm cụ thể hóa các quy định tại Điều 57 Luật BHXH năm 2014; xử lý vấn đề lương hưu thấp đối với những người nghỉ hưu trước năm 1995 mà cử tri cũng như các ĐBQH đã phản ánh; theo đó đối tượng điều chỉnh là người hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH và trợ cấp hằng tháng trước thời điểm điều chỉnh. Đồng thời, bổ sung đối với người hưởng lương hưu, trợ cấp trước ngày 1/1/1995 sau khi điều chỉnh theo mức chung mà có lương hưu, trợ cấp dưới 2.500.000 đồng/tháng theo các mức: Điều chỉnh tăng thêm 200.000đồng/người/tháng đối với những người có mức lương hưu, trợ cấp hằng tháng từ 2.300.000 đồng/người/tháng trở xuống; tăng lên bằng 2.500.000 đồng/người/tháng đối với những người có mức lương hưu, trợ cấp hằng tháng từ 2.300.000 đồng/người/tháng đến dưới 2.500.000 đồng/người/tháng.
Việc đề xuất mức lương hưu, trợ cấp dưới 2.500.000 đồng/người/tháng dựa trên các căn cứ như: Số liệu thống kê, thu nhập bình quân đầu người Việt Nam năm 2020 là 3.521 USD/người/năm (khoảng 6,7 triệu đồng/tháng), năm 2021 dự kiến 3.700 USD/người/năm (khoảng 7 triệu đồng/tháng); mức lương tối thiểu vùng năm 2021 bình quân 3.710.000 đồng/tháng; mức chuẩn nghèo giai đoạn 2022-2025 dưới 2.000.000 đồng/tháng khu vực thành thị và dưới 1.500.000 đồng/tháng khu vực nông thôn. Như vậy, mức 2.500.000 đồng/tháng bằng 36% mức thu nhập bình quân đầu người của năm 2021 và bằng 67,4% mức lương tối thiểu vùng.
Cùng với đó, theo số liệu báo cáo của BHXH Việt Nam, đến hết 31/12/2020, cả nước có khoảng 945.000 người hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng từ nguồn NSNN; mức lương hưu, trợ cấp BHXH bình quân 3.834.956 đồng/tháng. Do đó, việc lựa chọn mức 2.500.000 đồng/tháng tương đương với 65% mức lương hưu của những người nghỉ hưu trước năm 1995. Như vậy, có khoảng 426.000 người hưởng lương hưu, trợ cấp ở mức dưới 2.500.000 đồng/tháng.
Về thời điểm điều chỉnh, Bộ LĐ-TB&XH đề xuất 2 phương án. Cụ thể:
Dự kiến kinh phí tăng thêm nếu thực hiện điều chỉnh từ ngày 1/7/2021 là 348 tỷ đồng; thực hiện điều chỉnh từ ngày 1/1/2022 là 700 tỷ đồng.
Tiếp tục triển khai Nghị định số 45/2020/NĐ-CP ngày 8/4/2020 của Chính phủ về Thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử; đảm bảo thực hiện đầy đủ các quy trình nghiệp vụ được ban hành tại Quyết định số 838/QĐ-BHXH ngày 29/5/2017 của Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam về việc Ban hành Quy trình giao dịch điện tử trong lĩnh vực BHXH, BHYT, BH thất nghiệp, ngày 23/3/2021, BHXH Việt Nam ban hành Công văn số 702/BHXH-CNTT về việc Bổ sung hướng dẫn triển khai giao dịch điện tử đối với cá nhân.
Theo đó, BHXH Việt Nam yêu cầu BHXH các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai đăng ký giao dịch điện tử cho cá nhân dưới 18 tuổi chưa có CMND hoặc thẻ CCCD. Đồng thời, tiếp tục đẩy nhanh tiến độ triển khai đăng ký giao dịch điện tử cho cá nhân với một số điểm lưu ý như Giám đốc BHXH các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo phân quyền và giao trách nhiệm cho các cán bộ của các phòng, bộ phận tham gia thực hiện việc xác minh, phê duyệt đăng ký giao dịch điện tử đối với cá nhân; tiếp nhận và lưu trữ hồ sơ đăng ký giao dịch điện tử với cơ quan BHXH của cá nhân theo đúng hướng dẫn và quy định; không thực hiện phê duyệt hồ sơ trên hệ thống khi không có đầy đủ thành phần hồ sơ theo quy định; không trả lại hồ sơ đăng ký giao dịch điện tử của cá nhân thiếu ảnh CMND, chân dung và giấy khai sinh (đối với của cá nhân dưới 18 tuổi), cán bộ tiếp nhận bổ sung khi người dân đến cơ quan BHXH để hoàn tất thủ tục đăng ký giao dịch điện tử.
Bên cạnh đó, không bắt buộc người dân in tờ khai khi đến cơ quan BHXH để hoàn tất thủ tục đăng ký giao dịch điện tử. Trường hợp người dân đến xác minh và phê duyệt mà không mang theo tờ khai, cán bộ tiếp nhận đề nghị người dân cung cấp thông tin số hồ sơ hoặc mã số BHXH trong tin nhắn do cơ quan BHXH Việt Nam gửi sau khi nộp hồ sơ đăng ký thành công. Thực hiện việc đối chiếu, xác minh thông tin, in tờ khai và lấy chữ ký của cá nhân đăng ký, phê duyệt, kích hoạt tài khoản và hướng dẫn người dân cài đặt, sử dụng VssID– BHXH số. Thực hiện tiếp nhận, xác minh, phê duyệt, hướng dẫn đối với người dân đến để hoàn tất thủ tục đăng ký giao dịch điện tử nhưng trước đó đã lựa chọn cơ quan BHXH khác lúc đăng ký trực tuyến (người dân được quyền đến bất kỳ cơ quan BHXH trong hệ thống Ngành BHXH Việt Nam để hoàn tất thủ tục đăng ký).
Bộ Y tế vừa ban hành Thông tư số 01/2021/TT-BYT hướng dẫn một số nội dung để địa phương ban hành chính sách khen thưởng, hỗ trợ đối với tập thể, cá nhân thực hiện tốt công tác dân số. Một trong những nội dung quan trọng là khuyến khích, hỗ trợ cho cặp vợ chồng sinh 2 con một bề cam kết không sinh thêm con như tôn vinh, biểu dương việc nuôi con khỏe, dạy con ngoan, con học giỏi, thành đạt; miễn, giảm học phí, hỗ trợ mua BHYT học sinh; hỗ trợ sữa học đường và các nội dung, hình thức phù hợp khác.
Theo đó, để duy trì vững chắc mức sinh thay thế, tại các tỉnh thuộc vùng mức sinh cao theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, sẽ khen thưởng kèm theo mức khuyến khích, hỗ trợ bằng tiền hoặc hiện vật cho thôn đạt 3 năm liên tục không có người sinh con thứ 3 trở lên; thôn đạt 5 năm liên tục không có người sinh con thứ 3 trở lên; xã đạt 3 năm liên tục không có người sinh con thứ 3 trở lên; xã thuộc vùng miền núi, biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng khó khăn và đặc biệt khó khăn, xã có mức sinh cao đạt 1 năm không có người sinh con thứ 3 trở lên; xã đạt 5 năm liên tục không có người sinh con thứ 3 trở lên; các cá nhân gồm phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ đã có đủ 2 con và tự nguyện sử dụng biện pháp tránh thai dài hạn (triệt sản, đặt dụng cụ tử cung, cấy thuốc tránh thai) được khuyến khích, hỗ trợ bằng tiền hoặc hiện vật, CTV dân số, nhân viên y tế thôn bản đạt và vượt các chỉ tiêu về vận động phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ đã có đủ 2 con, tự nguyện sử dụng biện pháp tránh thai dài hạn được khuyến khích, hỗ trợ bằng tiền hoặc hiện vật.
Tại các tỉnh thuộc vùng mức sinh thấp theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, đề xuất UBND cấp huyện khen thưởng kèm theo hỗ trợ bằng tiền hoặc hiện vật cho xã 3 năm liên tục đạt và vượt tỷ lệ 60% cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ sinh đủ 2 con; xã 5 năm liên tục đạt và vượt tỷ lệ 60% cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ sinh đủ 2 con; đồng thời, căn cứ vào thực tiễn, địa phương lựa chọn, quyết định khen thưởng, hỗ trợ tiền hoặc hiện vật cho phụ nữ sinh đủ hai con trước 35 tuổi. Trường hợp các tỉnh thuộc vùng mức sinh thay thế theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, căn cứ vào mục tiêu chính sách dân số và thực tiễn, để duy trì vững chắc mức sinh thay thế, địa phương lựa chọn, quyết định một số nội dung cụ thể để khuyến khích, hỗ trợ đối với tập thể, cá nhân theo quy định.
Đồng thời, để khuyến khích kiểm soát tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh, xã đạt 100% thôn đã có nội dung về kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh trong hương ước, quy ước được đề xuất UBND cấp huyện khen thưởng một lần kèm theo hỗ trợ bằng tiền hoặc hiện vật. Căn cứ mục tiêu chính sách dân số và thực tiễn, để kiểm soát tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh, địa phương lựa chọn, quyết định một số nội dung cụ thể để khuyến khích, hỗ trợ cho cặp vợ chồng sinh 2 con một bề cam kết không sinh thêm con như tôn vinh, biểu dương việc nuôi con khỏe, dạy con ngoan, con học giỏi, thành đạt; miễn, giảm học phí, hỗ trợ mua BHYT học sinh; hỗ trợ sữa học đường và các nội dung, hình thức phù hợp khác.
Bên cạnh đó, để góp phần nâng cao chất lượng dân số, Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh, thành phố lưu tâm 2 vấn đề, bao gồm tầm soát trước sinh và tầm soát sơ sinh cho phụ nữ mang thai và trẻ sơ sinh thuộc hộ nghèo, cận nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội, sống tại vùng nhiễm chất độc dioxin, vùng núi, biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng khó khăn và đặc biệt khó khăn được hỗ trợ thực hiện tầm soát trước sinh (sàng lọc trước sinh), tầm soát sơ sinh (sàng lọc sơ sinh) và hỗ trợ bằng tiền (nếu có); cộng tác viên dân số, nhân viên y tế thôn mà thôn phụ trách đạt và vượt các chỉ tiêu về vận động đối tượng tham gia thực hiện tầm soát trước sinh, tầm soát sơ sinh được khen thưởng, hỗ trợ bằng tiền hoặc hiện vật.
Về chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, trong đó, xã đạt 100% người cao tuổi có thẻ BHYT, được lập hồ sơ theo dõi sức khỏe và khám sức khỏe định kỳ được đề xuất UBND cấp huyện khen thưởng 1 lần kèm theo hỗ trợ bằng tiền hoặc hiện vật. Căn cứ mục tiêu chính sách dân số và thực tiễn, để bảo đảm thích ứng với già hóa dân số, chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, địa phương lựa chọn, quyết định khuyến khích, hỗ trợ để phát triển các loại hình câu lạc bộ rèn luyện sức khỏe, văn hóa, giải trí của người cao tuổi tại cộng đồng; mở rộng các loại hình chăm sóc sức khỏe người cao tuổi tại cộng đồng và các nội dung phù hợp khác. Cộng tác viên dân số, nhân viên y tế thôn mà thôn phụ trách đạt và vượt các chỉ tiêu về vận động, theo dõi chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi tại gia đình, cộng đồng được khen thưởng, hỗ trợ bằng tiền hoặc hiện vật.
Bộ Tài chính đang lấy ý kiến rộng rãi đối với dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 23/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định về bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc.
Bổ sung quy định cấp Giấy chứng nhận bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc
Theo Bộ Tài chính, do Nghị định số 23/2018/NĐ-CP chưa có quy định về việc doanh nghiệp bảo hiểm cấp Giấy chứng nhận bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc nên Bộ Tài chính đề xuất quy định doanh nghiệp bảo hiểm phải cấp Giấy chứng nhận bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc cho bên mua bảo hiểm. Giấy chứng nhận bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc do doanh nghiệp bảo hiểm chủ động thiết kế và phải bao gồm các nội dung quy định.
Đồng thời, để doanh nghiệp bảo hiểm và bên mua bảo hiểm thuận lợi trong việc xác định mức phí bảo hiểm của cơ sở sản xuất công nghiệp có hạng nguy hiểm cháy, nổ A, B, C, D, E, Bộ Tài chính đề xuất quy định trách nhiệm của Bộ Công an là ghi hạng nguy hiểm cháy, nổ A, B, C, D, E của cơ sở sản xuất công nghiệp tại Biên bản nghiệm thu hoặc Biên bản kiểm tra an toàn về phòng cháy và chữa cháy đối với cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ.
Bộ Tài chính cho biết, theo quy định, doanh nghiệp bảo hiểm nộp trực tiếp kinh phí đóng góp cho hoạt động phòng cháy chữa cháy từ bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc vào Tài khoản của Cục Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ do Bộ Công an mở tại Kho bạc Nhà nước Trung ương, gửi báo cáo tình hình thu nộp kinh phí tới Bộ Tài chính.
Để việc rà soát số liệu thống nhất và thuận tiện, Bộ Tài chính đề xuất sửa đổi quy định về việc doanh nghiệp bảo hiểm gửi báo cáo nộp kinh phí cho Bộ Tài chính theo quy định tại Nghị định số 23/2018/NĐ-CP thành doanh nghiệp bảo hiểm gửi báo cáo nộp kinh phí cho Bộ Công an (Cục Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ).
Đơn giản, rõ ràng, dễ hiểu về chế độ báo cáo của doanh nghiệp bảo hiểm
Để quy định về chế độ báo cáo của doanh nghiệp bảo hiểm đơn giản, rõ ràng, dễ hiểu, Bộ Tài chính đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định về lập và gửi các báo cáo đối với bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc.
Trong đó, về báo cáo nghiệp vụ, doanh nghiệp bảo hiểm phải lập và gửi Bộ Tài chính báo cáo nghiệp vụ năm theo mẫu gồm: Thời gian chốt số liệu tính từ ngày 01/01 đến ngày 31/12 của năm báo cáo; Thời gian gửi báo cáo chậm nhất sau 90 ngày kể từ ngày kết thúc năm. Phương thức gửi báo cáo là gửi trực tiếp hoặc gửi qua dịch vụ bưu chính hoặc gửi qua hệ thống thư điện tử hoặc gửi qua hệ thống thông tin báo cáo của Bộ Tài chính.
Đối với báo cáo tình hình thu, nộp từ bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc cho hoạt động phòng cháy, chữa cháy, doanh nghiệp bảo hiểm phải lập và gửi Bộ Công an báo cáo theo mẫu quy định. Trong đó, thời gian chốt số liệu đối với báo cáo 6 tháng đầu năm là tính từ ngày 01/01 đến ngày 30/6 của năm báo cáo; đối với báo cáo 6 tháng cuối năm tính từ ngày 01/7 đến ngày 31/12 của năm báo cáo.
Thời gian gửi báo cáo đối với báo cáo 6 tháng đầu năm chậm nhất là ngày 31/7 hàng năm và đối với báo cáo 6 tháng cuối năm chậm nhất là ngày 31/01 của năm tài chính kế tiếp. Doanh nghiệp bảo hiểm gửi trực tiếp hoặc gửi qua dịch vụ bưu chính tới Bộ Công an. Ngoài các báo cáo nêu trên, doanh nghiệp bảo hiểm có trách nhiệm lập và gửi báo cáo đột xuất theo yêu cầu của Bộ Tài chính.
Nhằm đảm bảo cơ sở pháp lý cho việc tổ chức thực hiện, Bộ Tài chính đã đề xuất quy định về điều khoản chuyển tiếp tại dự thảo Nghị định. Theo đó, các hợp đồng bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc đã giao kết trước ngày Nghị định này có hiệu lực được tiếp tục thực hiện theo quy định pháp luật tại thời điểm giao kết hợp đồng bảo hiểm. Trường hợp sửa đổi, bổ sung sau thời điểm Nghị định này có hiệu lực, thực hiện theo quy định tại Nghị định này.
Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 23/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định về bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc nếu được thông qua sẽ tạo lập khuôn khổ pháp lý đồng bộ, ổn định, minh bạch, rõ ràng để tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan, doanh nghiệp bảo hiểm và các tổ chức, cá nhân có cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ khi tham gia bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc; mở rộng số lượng các cơ sở tham gia bảo hiểm này, giúp bảo vệ tài chính cho các cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ.
Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Quyết định 406/QĐ-TTg về Danh mục dịch vụ công trực tuyến tích hợp, cung cấp trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia năm 2021.
Theo Quyết định này, nhóm dịch vụ công thực thi phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư cần sớm được tích hợp, cung cấp trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia năm 2021, gồm:
Ngoài ra, cũng theo Quyết định này, cấp giấy phép xây dựng nhà ở riêng lẻ, cung cấp thông tin về quy hoạch xây dựng... cũng là những thủ tục có thể được thực hiện qua mạng trong năm 2021./.
Hệ thống đang xử lý. Vui lòng chờ!