Những chính sách và thông tin thuế trong tháng 02/2021. Nhân dịp đầu năm mới ARIS thống kê các thông tin về thuế trong tháng 02/2021 gửi đến các đối tác và khách hàng.
BẢN TIN THUẾ THÁNG 02/2021
I. Thông báo thời hạn nộp tờ khai thuế trong kỳ kê khai Tháng 1/2021
II. Miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp đối với doanh nghiệp khoa học và công nghệ
III. Xác định các bên có giao dịch liên kết và các giao dịch độc lập
IV. Ưu đãi thuế nhập khẩu thiết bị không người lái phục vụ sản xuất nông nghiệp
V. Tiền thưởng, tiền hỗ trợ không phải nộp thuế giá trị gia tăng
VI. Từ ngày 25/2/2021, áp dụng mức phí thẩm định cấp phép kinh doanh karaoke, vũ trường mới
VII. Đổi mới phương pháp thanh tra, kiểm tra thuế: Xác định rủi ro về thuế bằng phương thức điện tử
VIII. Lưu ý gì khi quyết toán thuế thu nhập cá nhân, thu nhập doanh nghiệp năm 2020?
IX. Từ ngày 4/01/2021, mã số doanh nghiệp là mã số đơn vị tham gia bảo hiểm xã hội
ARIS xin thông báo, do ngày cuối của kỳ kê khai Tháng 1/2021 trùng với ngày nghỉ (ngày thứ Bảy) nên theo Quy định tại khoản 4 điều 8 thông tư số 156/2013/TT-BTC “Trường hợp ngày cuối cùng của thời hạn giải quyết thủ tục hành chính trùng với ngày nghỉ theo quy định thì ngày cuối cùng của thời hạn được tính là ngày làm việc tiếp theo của ngày nghỉ đó”. Như vậy thời hạn nộp hồ sơ khai thuế như sau:
ARIS lưu ý Quý khách hàng nên kê khai, nộp tờ khai sớm trước thời gian hết hạn ít nhất từ 1 đến 2 ngày để tránh việc quá tải, không gửi được tờ khai.
Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư số 03/2021/TT-BTC hướng dẫn về miễn thuế, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) đối với doanh nghiệp khoa học và công nghệ quy định tại Nghị định số 13/2019/NĐ-CP ngày 01/02/2019 về doanh nghiệp khoa học và công nghệ.
Theo đó, doanh nghiệp khoa học và công nghệ được hưởng ưu đãi miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) theo quy định tại Khoản 1 Điều 12 Nghị định số 13/2019/NĐ-CP ngày 01/02/2019 của Chính phủ, cụ thể: được miễn thuế 4 năm và giảm 50% số thuế phải nộp trong 09 năm tiếp theo.
Thông tư số 03/2021/TT-BTC được Bộ Tài chính ban hành gồm 05 Điều và có có hiệu lực từ ngày 01/03/2021. Nội dung Thông tư hướng dẫn cụ thể một số điều như sau:
Để được hưởng miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, doanh nghiệp phải đáp ứng các điều kiện sau: Được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ; Doanh thu hàng năm từ hoạt động sản xuất, kinh doanh các sản phẩm hình thành từ kết quả khoa học và công nghệ đạt tỷ lệ tối thiểu 30% trên tổng doanh thu hàng năm của doanh nghiệp; Doanh thu được tạo ra từ dịch vụ có ứng dụng kết quả khoa học và công nghệ trong lĩnh vực công nghệ thông tin là doanh thu từ dịch vụ mới, không bao gồm các dịch vụ đã có trên thị trường.
Để được hưởng ưu đãi thuế TNDN, doanh nghiệp khoa học và công nghệ phải thực hiện chế độ kế toán, hóa đơn, chứng từ theo quy định của pháp luật và nộp thuế theo kê khai.
Thủ tục thực hiện ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp được Bộ Tài chính nêu rõ là phải tuân thủ đúng theo quy định của pháp luật về thuế TNDN và quản lý thuế. Theo đó, doanh nghiệp khoa học và công nghệ tự xác định số thuế TNDN được ưu đãi và kê khai vào Bảng kê ưu đãi thuế TNDN đối với doanh nghiệp khoa học và công nghệ. Bảng kê ưu đãi thuế TNDN được gửi kèm theo tờ khai quyết toán thuế TNDN hàng năm.
Ngoài hướng dẫn một số nội dung nêu trên, Thông tư số 03/2021/TT-BTC còn hướng dẫn cụ thể mức và thời gian ưu đãi miễn, giảm thuế TNDN, một số trường hợp áp dụng, điều khoản chuyển tiếp và bãi bỏ một số quy định…
Trong công tác quản lý thuế, để nhận diện rõ giao dịch liên kết và giao dịch độc lập, tại Nghị định số 132/2020/NĐ-CP ngày 05/11/2020 của Chính phủ Quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết. Theo đó, Nghị định có quy định về “các bên có giao dịch liên kết và các giao dịch độc lập”.
Thỏa thuận mua, bán, sử dụng chung nguồn lực như tài sản, vốn, lao động, chia sẻ chi phí giữa các bên có quan hệ liên kết, trừ các giao dịch kinh doanh đối với hàng hoá, dịch vụ thuộc phạm vi điều chỉnh giá của Nhà nước thực hiện theo quy định của pháp luật về giá.
Nguyên tắc bản chất hoạt động, giao dịch quyết định nghĩa vụ thuế là nguyên tắc áp dụng trong quane lý thuế nhằm phân tích các giao dịch, hoạt động sản xuất, kinh doanh của người nộp thuế để xác định nghĩa vụ thuế tương ứng với giá trị tạo ra từ bản chất giao dịch, hoạt động sản xuất, kinh doanh đó.
Bản chất giao dịch sẽ được xác định cụ thể khi đối chiếu giữa hợp đồng pháp lý hoặc văn bản, thỏa thuận của các bên liên kết với thực tiễn thực hiện của các bên.
Trường hợp người nộp thuế phát sinh giao dịch liên kết nhưng không có thỏa thuận bằng văn bản hoặc thỏa thuận không phù hợp với nguyên tắc giao dịch độc lập giữa các bên không có quan hệ liên kết, giao dịch liên kết phải được xác định theo đúng bản chất kinh doanh giữa các bên độc lập.
Cụ thế như: các bên liên kết nhận doanh thu, lợi nhuận từ giao dịch liên kết với người nộp thuế phải có quyền sở hữu và kiểm soát rủi ro kinh doanh đối với các tài sản, hàng hóa, dịch vụ, nguồn lực, quyền mang lại lợi ích kinh tế và các quyền tạo ra thu nhập từ cổ phần, cổ phiếu và các công cụ tài chính khác và người nộp thuế phát sinh chi phí từ giao dịch với bên liên kết phải nhận được lợi ích, giá trị kinh tế trực tiếp hoặc góp phần tạo ra doanh thu, giá trị gia tăng cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của người nộp thuế phù hợp vơi nguyên tắc giao dịch độc lập.
Bản chất giao dịch được xác định bằng biện pháp thu thập thông tin, chứng cứ, dữ liệu về giao dịch, rủi ro của các bên liên kết trong thực tiễn hoạt động sản xuất kinh doanh.
Tổng cục Hải quan có hướng dẫn hoạt động nhập khẩu và áp dụng các chính sách ưu đãi thuế, phí, lệ phí đối với thiết bị bay không người lái chuyên dụng phục vụ sản xuất nông nghiệp theo chỉ đạo của Bộ Tài chính.
Để khuyến khích tạo điều kiện cho việc nâng cao năng suất nông nghiệp, bảo vệ sức khỏe người lao động, Tổng cục Hải quan ban hành công văn số 207/TCHQ-TXNK hướng dẫn hoạt động nhập khẩu và áp dụng các chính sách ưu đãi thuế, phí, lệ phí đối với thiết bị bay không người lái (UVA).
Tổng cục Hải quan cho biết, việc nhập khẩu UAV hiện nay được thực hiện theo quy định tại khoản 4 Điều 8, Điều 9 Nghị định số 69/2018/NĐ-CP và khoản 2 Điều 4 Nghị định số 36/2008/NĐ-CP, trong đó, chỉ áp dụng hình thức nhập khẩu trực tiếp phục vụ sản xuất; không kinh doanh, chuyển giao cho tới khi nghị định thay thế Nghị định 36/2008/NĐ-CP.
UVA được nhập khẩu để tạo tài sản cố định của dự án ưu đãi đầu tư phục vụ nông nghiệp, thì được miễn thuế nhập khẩu theo quy định tại khoản 11 Điều 16 Luật Thuế xuất nhập khẩu số 107/2016/QH13, Điều 14 Nghị định số 134/2016/NĐ-CP. Thủ tục, hồ sơ miễn thuế thực hiện theo quy định tại Điều 30, Điều 31 Nghị định số 134/2016/NĐ-CP.
Trường hợp UVA phục vụ nông nghiệp nhập khẩu nếu được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hoặc sở nông nghiệp và phát triển nông thôn các tỉnh, thành phố xác nhận là các máy, thiết bị chuyên dùng khác phục vụ cho sản xuất nông nghiệp thì thuộc đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Luật số 71/2017/QH13, khoản 1 Điều 3 Nghị định số 12/2015/NĐ-CP, khoản 2 Điều 1 Thông tư số 26/2015/TT-BTC, công văn số 1677/BTC-TCT của Bộ Tài chính.
Cũng theo Tổng cục Hải quan, để thực hiện kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại hội nghị với lãnh đạo các tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long, liên quan đến nội dung sử dụng UAV an toàn, hiệu quả trong nông nghiệp, đồng thời vẫn đảm bảo an ninh, quốc phòng, sức khỏe, tính mạng người dân, Bộ Quốc phòng đã ban hành Công văn số 4213/BQP-TM về việc ứng dụng thiết bị bay không người lái trong nông nghiệp.
Bộ Quốc phòng cũng đề nghị Bộ Tài chính chỉ đạo các đơn vị tạo điều kiện cho hoạt động nhập khẩu và áp dụng các chính sách ưu đãi thuế, phí, lệ phí đối với UAV chuyên dùng phục vụ sản xuất nông nghiệp theo quy định pháp luật; khuyến khích tạo điều kiện cho các cơ sở nghiên cứu, sản xuất UAV phục vụ sản xuất nông nghiệp tại Việt Nam./.
Theo dự thảo thông tư hướng dẫn Luật Thuế giá trị gia tăng, tổ chức, cá nhân nhận các khoản thu về bồi thường bằng tiền, tiền thưởng, tiền hỗ trợ, tiền chuyển nhượng quyền phát thải và các khoản thu tài chính khác không phải kê khai, nộp thuế giá trị gia tăng.
Theo Điều 5 dự thảo thông tư, các trường hợp không phải kê khai, tính nộp thuế giá trị gia tăng (GTGT) bao gồm: tổ chức, cá nhân nhận các khoản thu về bồi thường bằng tiền (bao gồm cả tiền bồi thường về đất và tài sản trên đất khi bị thu hồi đất theo quyết định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền), tiền thưởng, tiền hỗ trợ, tiền chuyển nhượng quyền phát thải và các khoản thu tài chính khác.
Cơ sở kinh doanh khi nhận khoản tiền thu về bồi thường, tiền thưởng, tiền hỗ trợ nhận được, tiền chuyển nhượng quyền phát thải và các khoản thu tài chính khác thì lập chứng từ thu theo quy định. Đối với cơ sở kinh doanh chi tiền, căn cứ mục đích chi để lập chứng từ chi tiền.
Đối với khoản hỗ trợ mà cơ sở kinh doanh mua hàng nhận từ nhà cung cấp thì cơ sở kinh doanh không phải kê khai, nộp thuế GTGT và không sử dụng hóa đơn nếu khoản tiền hỗ trợ chỉ nhằm mục đích hỗ trợ không kèm theo các điều kiện dịch vụ cung cấp cho các nhà cung cấp.
Ngoài các trường hợp trên, dự thảo thông tư cũng quy định trường hợp doanh nghiệp, hợp tác xã nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ bán sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, hải sản chưa chế biến thành các sản phẩm khác, hoặc chỉ qua sơ chế thông thường cho doanh nghiệp, hợp tác xã ở khâu kinh doanh thương mại không phải kê khai, tính nộp thuế GTGT.
Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư số 01/2021/TT-BTC ngày 7/1/2021 quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí thẩm định cấp giấy phép kinh doanh karaoke, vũ trường.
Thông tư số 01/2021/TT-BTC nêu rõ, từ ngày 25/2/2021, doanh nghiệp, hộ kinh doanh khi nộp hồ sơ đề nghị cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ karaoke hoặc dịch vụ vũ trường phải nộp phí theo quy định. Cụ thể:
Thông tư số 01/2021/TT-BTC quy định, mức thu phí thẩm định điều chỉnh giấy phép đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ karaoke hoặc dịch vụ vũ trường đối với trường hợp thay đổi chủ sở hữu là 500.000 đồng/giấy.
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Sở Văn hóa và Thể thao hoặc Sở Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hoặc cơ quan quản lý nhà nước về văn hóa cấp huyện được phân cấp, ủy quyền cấp giấy phép đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ karaoke hoặc dịch vụ vũ trường theo quy định pháp luật thu phí theo quy định trên.
Ông Vũ Mạnh Cường – Vụ trưởng Vụ Thanh tra, kiểm tra (Tổng cục Thuế) cho biết, để nâng cao hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra thuế, Tổng cục Thuế đã thay đổi cách thức, phương pháp thanh tra, kiểm tra.
Theo đó, ngành Thuế đã tiến hành thanh tra, kiểm tra bằng phương thức điện tử; áp dụng việc phân loại doanh nghiệp có rủi ro cao về thuế, thông qua ứng dụng công nghệ thông tin.
Tăng cường kiểm tra tại cơ quan thuế
Năm 2020 đã khép lại, đánh dấu những nỗ lực to lớn của ngành Thuế trong việc hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước được Quốc hội, Chính phủ và Bộ Tài chính giao. Năm 2020 cũng là năm cải cách hành chính mạnh mẽ của ngành Thuế trong điều kiện đại dịch Covid-19 bùng phát khắp thế giới, trong đó có Việt Nam.
Thực hiện Chỉ thị 11/CT-TTg về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội, ứng phó với dịch Covid-19; Nghị quyết 84/NQ-CP về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch Covid-19, công tác quản lý thuế nói chung và công tác thanh tra, kiểm tra thuế nói riêng cũng phải thay đổi cho phù hợp với tình hình mới. Vấn đề đặt ra là công tác thanh tra, kiểm tra thuế vừa phải đảm bảo một môi trường kinh doanh lành mạnh, công bằng, vừa phải ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm, gian lận, trốn thuế nhưng không ảnh hưởng đến điều kiện kinh doanh tốt nhất của doanh nghiệp.
Ông Vũ Mạnh Cường – Vụ trưởng Vụ Thanh tra, kiểm tra (Tổng cục Thuế) cho biết, để đảm bảo tất cả các mục tiêu trên đây, Tổng cục Thuế đã thay đổi phương thức thanh tra, kiểm tra thuế. Đó là tăng cường thanh tra, kiểm tra tại bàn, hạn chế tối đa thanh tra, kiểm tra thuế tại trụ sở doanh nghiệp.
Báo cáo của Tổng cục Thuế cho thấy, kết quả thanh tra, kiểm tra thuế năm 2020 đã có những thay đổi theo hướng tăng mạnh tỷ lệ kiểm tra tại trụ sở cơ quan thuế. Toàn ngành đã kiểm tra được 819.726 hồ sơ khai thuế tại cơ quan thuế, bằng 158,38% so với năm 2019, qua đó xử lý điều chỉnh thu vào ngân sách hơn 1.624 tỷ đồng, bằng 258,31% so với năm 2019; giảm khấu trừ hơn 175 tỷ đồng, bằng 103,34% so với năm 2019; giảm lỗ hơn 1.047 tỷ đồng, bằng 148,11% so với năm 2019.
Ứng dụng công nghệ thông tin mang lại kết quả tích cực
Cùng với việc tăng cường kiểm tra hồ sơ khai thuế tại trụ sở cơ quan thuế, ngành Thuế cũng đã cải cách phương pháp thanh tra, kiểm tra thuế theo phương thức thanh tra, kiểm tra điện tử. Việc tăng cường áp dụng công nghệ thông tin vào phục vụ công tác thanh tra, kiểm tra thuế nhằm giảm thời gian thanh tra, kiểm tra, hạn chế tiếp xúc với người nộp thuế, cũng phù hợp với Chỉ thị 11 của Thủ tướng và Nghị quyết 84 của Chính phủ là không thực hiện thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Tuy nhiên, để ngăn ngừa các doanh nghiệp lợi dụng dịch bệnh để vi phạm pháp luật thuế, ngành Thuế đã áp dụng công nghệ thông tin để phân tích rủi ro, lựa chọn các doanh nghiệp có rủi ro cao, có mức bình quân tăng trưởng không biến động so với năm 2019 để thực hiện thanh tra, kiểm tra thuế.
“Với số lượng cả gần 1 triệu doanh nghiệp, nếu không áp dụng công nghệ thông tin thì sẽ không lựa chọn được doanh nghiệp có rủi ro cao. Với yêu cầu đó, cơ quan thuế đã khai thác dữ liệu tập trung tại cơ quan thuế để phân tích một cách chuyên sâu tình hình kinh doanh của doanh nghiệp; ban hành quy trình thực hiện, nghiêm cấm việc yêu cầu doanh nghiệp cung cấp dữ liệu đã có sẵn trên hệ thống thuế” – ông Cường nói.
Để công tác kiểm tra tại cơ quan thuế đạt hiệu quả, Tổng cục Thuế đã ban hành quy trình kiểm tra tại trụ sở cơ quan thuế đối với doanh nghiệp bị ảnh hưởng của dịch bệnh, nhưng có dấu hiệu gian lận trốn thuế. Quy trình này giúp thống nhất, công khai, minh bạch, phòng ngừa tiêu cực, nhũng nhiễu và hạn chế tối đa việc tiếp xúc với doanh nghiệp.
“Để thực hiện quy trình, cơ quan thuế đã tạo cổng thông tin trao đổi với doanh nghiệp. Mọi tài liệu, trao đổi, đánh giá, quyết định kiểm tra được thực hiện trao đổi qua cổng thông tin, hoặc số điện thoại của cơ quan thuế được công bố. Việc kiểm tra được giao cụ thể cho từng tổ, tối thiểu 2 người và được giám sát bằng quy trình nhật ký điện tử. Với việc áp dụng nhật ký điện tử này, lãnh đạo cơ quan thuế các cấp sẽ theo dõi và biết được hoạt động thanh tra, kiểm tra cụ thể hàng ngày của từng đoàn, từng tổ thanh tra, kiểm tra” – ông Cường chia sẻ.
Với những giải pháp quyết liệt, sự cải cách mạnh mẽ, thực tế kết quả thanh tra, kiểm tra thuế đạt được đã phản ánh đầy đủ việc đổi mới phương pháp thanh tra, kiểm tra thuế, mang lại kết quả rất tích cực, giúp ngành Thuế ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm, gian lận, trốn thuế của doanh nghiệp. Đồng thời, Ngăn ngừa được hành vi tiêu cực, nhũng nhiễu trong công tác thanh tra, kiểm tra thuế.
Theo quy định của Luật Quản lý thuế, cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp, người nộp thuế phải thực hiện quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), thu nhập cá nhân (TNCN) theo quy định. Cục Thuế TP. Hà Nội đã đưa ra các lưu ý tới doanh nghiệp, người nộp thuế khi thực hiện quyết toán thuế TNCN, TNDN năm 2020.
Về quyết toán thuế TNCN, Cục Thuế TP. Hà Nội lưu ý, thời hạn quyết toán thuế TNCN đối với tổ chức, doanh nghiệp, người nộp thuế trả thu nhập là ngày cuối cùng của tháng thứ 3 kể từ ngày kết thúc năm dương lịch (ngày 31/3/2021).
Đối với cá nhân trực tiếp quyết toán thuế với cơ quan thuế, thời hạn quyết toán thuế TNCN chậm nhất là ngày cuối cùng của tháng thứ 4 kể từ ngày kết thúc năm dương lịch. Đối với cá nhân có số thuế đề nghị hoàn thì có thể nộp bất kỳ thời điểm nào mà không bị xử phạt vi phạm hành chính về thuế đối với hành vi chậm nộp hồ sơ.
Khi thực hiện kê khai quyết toán thuế TNCN, trường hợp các tháng/quý thuộc kỳ tính thuế năm 2020 người nộp thuế đã tạm nộp TNCN từ tiền lương, tiền công theo mức giảm trừ gia cảnh cũ (9 triệu đồng/tháng đối với người nộp thuế và 3,6 triệu đồng/tháng đối với mỗi người phụ thuộc) thì khi quyết toán thuế TNCN, người nộp thuế xác định lại số thuế TNCN phải nộp của kỳ tính thuế năm 2020 theo mức giảm trừ gia cảnh mới, cụ thể, đối với cá nhân người nộp thuế là 11 triệu đồng/tháng, đối với người phụ thuộc là 4,4 triệu đồng/tháng/người.
Miễn thuế TNCN đối với cá nhân có số tiền thuế phát sinh phải nộp hằng năm sau quyết toán thuế TNCN từ tiền lương, tiền công từ 50.000 đồng trở xuống; đồng thời, cá nhân không phải nộp hồ sơ quyết toán thuế TNCN.
Về quyết toán thuế TNDN, thời hạn quyết toán với doanh nghiệp có năm tài chính trùng năm dương lịch là ngày cuối cùng của tháng thứ 3 kể từ ngày kết thúc năm dương lịch (ngày 31/3/2021). Doanh nghiệp có năm tài chính khác năm dương lịch thì thời hạn quyết toán chậm nhất là ngày cuối cùng của tháng thứ 3 kể từ ngày kết thúc năm tài chính.
Khi kê khai thuế TNDN, cần xác định, kê khai đủ thông tin tại Tờ khai quyết toán thuế TNDN (mẫu 03/TNDN); Trong đó lưu ý đến một số chỉ tiêu [04] – Ngành nghề có tỷ lệ doanh thu cao nhất; Chỉ tiêu [05] – Tỷ lệ (%) của ngành nghề kinh doanh có tỷ lệ doanh thu cao nhất trên tổng doanh thu của kỳ tính thuế.
Khi các định, kê khai thông tin giao dịch liên kết, doanh nghiệp lưu ý xác định chính xác đối tượng phải kê khai, thực hiện kiểm soát và kê khai đầy đủ thông tin giao dịch liên kết, xác định đúng chi phí lãi vay được trừ (mức khống chế 30%) khi tính thuế TNDN theo quy định tại Nghị định số 132/2020/NĐ-CP ngày 5/11/2020 của Chính phủ để hạn chế sai sót.
Khi các định, kê khai giảm thuế TNDN của năm 2020 theo Nghị quyết số 116/2020/QH14, trường hợp tổng doanh thu năm 2020 không quá 200 tỷ đồng thì doanh nghiệp được giảm 30% số thuế TNDN phải nộp của kỳ tính thuế TNDN năm 2020. Trong đó, tổng doanh thu năm 2020 làm căn cứ xác định đối tượng áp dụng được giảm thuế là tổng doanh thu trong kỳ tính thuế TNDN năm 2020 của doanh nghiệp bao gồm toàn bộ tiền bán hàng, tiền gia công, tiền cung ứng dịch vụ kể cả trợ giá, phụ thu, phụ trội mà DN được hưởng theo quy định của Luật Thuế thu nhập doanh và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Khi lập hồ sơ khai thuế, doanh nghiệp kê khai số thuế TNDN được giảm trên các mẫu tờ khai ban hành kèm theo Thông tư số 151/2014/TT-BTC ngày 10/10/2014 của Bộ Tài chính và các văn bản sửa đổi, bổ sung (nếu có) và trên Phụ lục thuế TNDN được giảm ban hành kèm theo Nghị định số 114/2020/ND-CP.
Cục Thuế TP. Hà Nội lưu ý, số thuế TNDN được giảm được tính trên số thuế TNDN phải nộp của kỳ tính thuế năm 2020, sau khi đã trừ đi số thuế TNDN mà doanh nghiệp đang được hưởng ưu đãi theo quy định.
Kỳ tính thuế TNDN được xác định theo năm dương lịch, trường hợp doanh nghiệp áp dụng năm tài chính khác với năm dương lịch thì kỳ tính thuế TNDN xác định theo năm tài chính áp dụng quy định tại Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp và các văn bản hướng dẫn thi hành.
IX. Từ ngày 4/01/2021, mã số doanh nghiệp là mã số đơn vị tham gia bảo hiểm xã hội
Mỗi doanh nghiệp được cấp một mã số duy nhất gọi là mã số doanh nghiệp. Mã số này đồng thời là mã số thuế và mã số đơn vị tham gia bảo hiểm xã hội của doanh nghiệp.
Đây là một trong những nội dung được quy định tại Nghị định số 01/2021/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp của Chính phủ chính thức có hiệu lực từ ngày 4/01/2021.
Trước đó, theo quy định tại Khoản 1 Điều 8 Nghị định số 78/2015/NĐ-CP thì mã doanh nghiệp chỉ đồng thời là mã số thuế của doanh nghiệp.
Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 8, Nghị định số 01/2021/NĐ-CP, mỗi doanh nghiệp được cấp một mã số duy nhất gọi là mã số doanh nghiệp. Mã số doanh nghiệp tồn tại trong suốt quá trình hoạt động của doanh nghiệp và không được cấp lại cho tổ chức, cá nhân khác.
Khi doanh nghiệp chấm dứt hoạt động thì mã số doanh nghiệp chấm dứt hiệu lực. Cơ quan quản lý nhà nước thống nhất sử dụng mã số doanh nghiệp để thực hiện công tác quản lý nhà nước và trao đổi thông tin về doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, Nghị định số 01/2021/NĐ-CP còn quy định mã số địa điểm kinh doanh là mã số gồm 5 chữ số được cấp theo số thứ tự từ 00001 đến 99999. Mã số này không phải là mã số thuế của địa điểm kinh doanh; Mã số đơn vị phụ thuộc của doanh nghiệp được cấp cho chi nhánh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp. Mã số này đồng thời là mã số thuế của chi nhánh, văn phòng đại diện.
Như vậy, trong trường hợp doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện bị chấm dứt hiệu lực mã số thuế do vi phạm pháp luật về thuế thì doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện không được sử dụng mã số thuế trong các giao dịch kinh tế kể từ ngày Cơ quan thuế thông báo công khai về việc chấm dứt hiệu lực mã số thuế.
Đối với các chi nhánh, văn phòng đại diện đã thành lập trước ngày 01/11/2015 nhưng chưa được cấp mã số đơn vị phụ thuộc, doanh nghiệp liên hệ trực tiếp với cơ quan thuế để được cấp mã số thuế 13 số, sau đó thực hiện thủ tục thay đổi nội dung đăng ký hoạt động tại cơ quan đăng ký kinh doanh theo quy định.
Đối với các doanh nghiệp đã được thành lập và hoạt động theo Giấy phép đầu tư hoặc Giấy chứng nhận đầu tư (đồng thời là Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh) hoặc các giấy tờ có giá trị pháp lý tương đương, Giấy phép thành lập và hoạt động kinh doanh chứng khoán, mã số doanh nghiệp là mã số thuế do Cơ quan thuế đã cấp cho doanh nghiệp...
Hệ thống đang xử lý. Vui lòng chờ!